Tiểu sử Jean de Lattre de Tassigny

Jean de Lattre de Tassigny sinh ngày 2 tháng 2 1889 tại Mouilleron-en-Pareds, cùng quê với cựu thủ tướng Pháp Georges Clemenceau trong một gia đình địa chủ quý tộc. Ông tốt nghiệp Trường Võ bị Saint-Cyr năm 1911 với quân hàm trung úy. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông tham gia kị binh, trong chiến đấu bị thương 5 lần và 8 lần được tuyên dương, từng là trung đoàn trưởng của trung đoàn bộ binh số 93. Sau thế chiến thứ nhất ông lại tiếp tục tham gia chiến đấu ở Maroc.

Năm 1932, khi đang là trung tá, ông trở thành sĩ quan tham mưu dưới quyền tướng Maxime Weygand nhờ cấp hàm và dòng dõi gia đình. 3 năm sau đó, ông trở thành chỉ huy của trung đoàn bộ binh số 151 tại Metz với quân hàm đại tá.

Chiến tranh thế giới thứ hai

Eisenhower, Zhukov, Mongomery và De Lattre ngày 9 tháng 5 năm 1945 tại Berlin

Ông được phong quân hàm Chuẩn tướng vào ngày 23 tháng 3 năm 1939 và được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng quân đoàn 5 đúng 1 ngày sau khi Đức Quốc xã tấn công Ba Lan. Ngày 1 tháng 1 năm 1940, Tassigny là chỉ huy trưởng sư đoàn bộ binh số 14 cho đến khi ký kết hiệp định đình chiến giữa chính phủ VichyĐức quốc xã. Ông thắng một trận nhỏ ở Rethel, nơi một sĩ quan Đức đã so sánh cuộc kháng cự của quân Pháp với trận Verdun. Năm 1941, ông được thăng hàm Thiếu tướng, và làm tổng chỉ huy của quân đội Vichy Pháp tại Tunisia. 1942, ông được thăng hàm Trung tướng và chuyển sang chỉ huy sư đoàn bộ binh số 16 tại Montpellier. Tại đây, ông bắt đầu tập hợp lực lượng chống đối phát xít Đức nên cuối cùng đã bị chính phủ Vichy bắt ở Toulouse rồi tuyên án 10 năm tù giam ở Lyon. Ngày 3 tháng 9 năm 1943, de Lattre vượt ngục thành công bèn cùng gia đình trốn khỏi Riom, tìm cách liên lạc với tướng Charles de GaulleLondon. Ngày 20 tháng 12 năm 1943, ông sang Algiers chỉ huy Tập đoàn quân B, phối hợp cùng với quân Đồng Minh chống phát xít Đức[1]. Ông được thăng quân hàm Đại tướng bởi sắc lệnh do tướng Charles de Gaulle ký ngày 11 tháng 11 năm 1943.

Ngày 17 tháng 6 năm 1944, de Lattre dẫn quân đổ bộ lên đảo Elbe rồi Provence, miền nam nước Pháp ngày 16 tháng 8. Mục tiêu trước mắt của ông là giải phóng Toulon và Marseilles, hai thành phố cảng quan trọng ở miền Nam Pháp. Ở hai thành phố này có 35000 quân Đức phòng ngự cứng rắn, được Adolf Hitler ra lệnh chống trả tới người cuối cùng. De Lattre chia quân làm 5 cụm bao vây, đánh chiếm Toulon và Marseilles. Ngày 21 tháng 8, quân Pháp hình thành thế hợp vây Toulon. Giao tranh diễn ra rất ác liệt; quân chính quy Pháp cùng lực lượng kháng chiến nội địa đã chiếm được các pháo đài lớn. Ngày 28 tháng 8, toàn bộ quân Đức ở Toulon đầu hàng. Trận này quân Pháp thiệt hại đến 2700 người, nhưng bắt được 17000 tù binh.[2] Cùng lúc đó, quân De Lattre tiến đánh Marseilles. Nhân dân Marseilles cũng nổi dậy, gây phân tán quân Đức, giúp quân chính quy Pháp bao vây, cô lập các cứ điểm địch. Ngày 28 tháng 8, quân Đức ở Marseilles đầu hàng. Quân Pháp thiệt hại 1.825 người nhưng thu được 10.000 tù binh.[3]

Tiếp theo, ông vượt qua Vosges sau giao tranh ác liệt. De Lattre chiếm Belfort nhưng chấm dứt bước tiến của quân ông. Điều này khiến cho quân Đức thành lập "cái túi Colmar". Tháng 12 năm 1944, cố gắng chiếm Colmar đều thất bại. Tháng 1 năm 1945, Trung tướng Jacob Devers - Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân số 6 của Mỹ, đã ra lệnh cho Tassigny thanh toán "cái túi" này. Ngày 20 tháng 1 năm 1945, Chiến dịch hợp vây Colmar bắt đầu, 5 sư đoàn Pháp của Tassigny tấn công thất bại, và Sư đoàn Bộ binh số 3 tinh nhuệ của Mỹ cũng không thu được thắng lợi gì đáng kể.[4] Khó khăn của liên quân Mỹ - Pháp trong chiến dịch này gợi nhớ đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.[5] Trước tình hình đó, Devers phải tăng viện 1 quân đoàn Mỹ. Ngày 9 tháng 2, "cái túi Colmar" bị tiêu diệt, quân Đức thiệt hại nặng và rút chạy qua sông Rhine.[6][7] Nước Pháp được giải phóng, ngày 30 tháng 3 năm 1945, de Lattre dẫn 300.000 quân vượt sông Rhine, lần lượt chiếm Karlsruhe, UlmStuttgart trước khi vượt sông Danube đến Áo. Ngày 8 tháng 5 năm 1945, ông đại diện nước Pháp cùng với các tướng lĩnh hàng đầu khác của phe Đồng Minh như Dwight D. EisenhowerGeorgy Zhukov ký kết văn kiện đầu hàng vô điều kiện của Đức quốc xã tại Berlin, kết thúc chiến tranh tại Châu Âu.

Chiến tranh Đông Dương

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Tassigny trở thành tham mưu trưởng các lực lượng lục quân tại NATO, dưới quyền chỉ đạo của Thống chế Bernard Montgomery. Ngày 6 tháng 12 năm 1950, chính phủ Pháp đã cử ông sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm cao ủy Pháp ở Đông Dương nhằm lấy lại ưu thế tại đây. Nắm quyền chỉ huy, de Lattre nhanh chóng đề ra nhiều kế hoạch mới: khẩn trương xây dựng lực lượng quân Âu-Phi cơ động chiến lược mạnh, tăng cường bổ sung nhiều lính người Việt vào quân đội viễn chinh Pháp, xây dựng quân đội quốc gia cho chính quyền Bảo Đại và nhất là ông đã huy động một lực lượng công binh rất lớn để xây 2200 bunker tạo thành một "vành đai trắng" bao quanh vùng trung duđồng bằng Bắc Bộ nhằm đối phó Việt Minh. Mục tiêu của de Lattre là tiến hành chiến tranh tổng lực để bình định những vùng tạm chiếm và chuẩn bị tiến ra vùng tự do[8].

Để thực hiện những kế hoạch trên, de Lattre đã tập trung phần lớn các tiểu đoàn cơ động chiến lược tại Bắc Bộ xây dựng được 7 binh đoàn cơ động chiến lược (GM) và 4 tiểu đoàn lính nhảy dù. Ông cũng chủ trương lôi kéo Mỹ can thiệp sâu vào Chiến tranh Đông Dương để tăng nguồn viện trợ cho Pháp. Ngay sau khi nhậm chức, ngày 14 tháng 1 năm 1951, ông đã đến Vĩnh Yên để chỉ đạo chiến đấu phản kích Việt Minh. Ông điều binh đoàn cơ động 2 (GM2) từ Hà Nội đến làm quân dự phòng rồi ra lệnh cho GM1 tấn công từ phía tây với hỏa lực yểm trợ của không quân. GM1 sau đó đã cùng GM3 đánh bật Việt Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy của Việt Minh, quyết định tấn công lần nữa nhưng lại bị đẩy lùi vì Tassigny đã tập trung không quân mở chiến dịch ném bom lớn và chủ yếu là bom napalm gây thương vong rất lớn cho Việt Minh.

Phần mộ de Lattre de Tassigny

Sau chiến thắng ở trận Vĩnh Yên, de Lattre lại lần nữa đẩy lùi được Việt Minh tại Mạo Khê. Nhưng vào ngày 30 tháng 3 năm 1951, con trai duy nhất của ông là trung úy Bernard de Lattre de Tassigny đã chết sau một cuộc tấn công của Việt Minh tại Ninh Bình. Sau đó, xác của Benard đã được tìm thấy và mặc dù chiến sự vẫn đang còn tiếp diễn, de Lattre đã đưa xác con về Pháp và tổ chức đám tang rất trọng thể[9].

Sau khi trở lại Việt Nam, Tassigny quyết định chọn Hòa Bình làm điểm quyết chiến mới để hi vọng ngăn chặn đường giao thông Bắc-Nam và tiêu diệt chủ lực quân của Việt Minh. Ngày 9 tháng 11 năm 1951, Tassginy đã sử dụng một lực lượng quân cơ động chiến lược gồm khoảng 20 tiểu đoàn bộ binh, 7 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp và nhiều tàu thuyền, quân dù mở cuộc tấn công Hòa Bình và đến ngày 14 tháng 11 thì chiếm được Hòa Bình. Trước tình hình đó, Việt Minh đã mở chiến dịch Hòa Bình do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy nhằm giành lại Hòa Bình. Và vào thời điểm gay cấn nhất của trận đánh, de Lattre de Tassigny lâm bệnh nặng phải trở về Pháp lần nữa vào ngày 19 tháng 11. Lúc bấy giờ bệnh tình của ông đã không còn hy vọng cứu chữa vì từ nhiều tháng nay ông bị ung thư chân đồng thời phải đảm đương nhiều công việc ở Đông Dương, những hành trình qua Pháp và qua Mỹ để xin viện trợ. Ngoài ra, cái chết của người con trai duy nhất cũng làm ông thêm suy sụp tinh thần khiến cho bệnh tình càng ngày càng trầm trọng.[10] Cuối cùng vào ngày 11 tháng 1 năm 1952, de Lattre từ trần tại Paris. Chính phủ Pháp đã truy tặng ông chức Thống chế và làm lễ quốc táng. Đám tang của ông kéo dài trong 5 ngày và được tạp chí LIFE mô tả là "đám tang dành cho quân nhân lớn nhất kể từ sau cái chết của Thống chế Foch năm 1929". Đám tang ông có sự tham gia của người cha 97 tuổi của ông là Roger de Lattre - thành viên cuối cùng của dòng họ. Quan tài của ông được đặt bên cạnh con ông là Bernard.[11] Sau cái chết của de Lattre, các tướng lĩnh Pháp sau đó được cử đến Đông Dương như Raoul SalanHenri Navarre đã không hoàn thành nhiệm vụ và sau cùng Pháp đã thua trận tại Đông Dương.

50 năm sau ngày ông mất, lễ tưởng niệm ông đã được tổ chức trọng thể tại Paris và quê hương ông với sự tham gia của nhiều cựu chiến binh. Trước nhà ông ở Mouilleron-en-Pareds người ta gắn tấm biển lớn ghi các chức tước của ông với dòng chữ: "Il sauve le Tonkin" (Cứu tinh xứ Bắc Kì) và tên ông từng được đặt cho một đường phố Hà Nội thời Pháp còn chiếm đóng.[12]

Liên quan